Dấu hiệu bệnh chân tay miệng và biện pháp phòng chống

Nắm được dấu hiệu bệnh chân tay miệng sẽ giúp bạn nhận biết, phát hiện vấn đề bất thường sớm và áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời, trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng.

Khái quát về bệnh chân tay miệng

Thời điểm giao mùa, nhất là khi thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, thời tiết thay đổi liên tục là điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh dịch hoành hành, điển hình như sốt phát ban, sốt xuất huyết hay bệnh tiêu chảy cấp và chân tay miệng.

dau-hieu-benh-chan-tay-mieng
Bệnh chân tay miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi

Trong đó, chân tay miệng là bệnh phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, do Coxsackieviruses A16 và enterovirus 71 (một dạng siêu vi trùng đường ruột) gây nên. Đang lo ngại là bệnh này có thể lây lan giữa người và người qua đường tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch mũi, họng của bệnh nhân. Vì thế, nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao, đòi hỏi phải có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời.

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng

Tùy vào từng giai đoạn phát triển và cơ địa của từng bệnh nhân mà các biểu hiện trên cơ thể cũng sẽ khác nhau. Dấu hiệu bệnh chân tay miệng ở trẻ em phổ biến nhất là sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, da nổi ban đỏ, kèm theo biểu hiện ho, đau họng, đau bụng…

Trong đó, những nốt ban đỏ trên da chính là dấu hiệu đặc trưng. Những nốt hồng ban đường kính vài mm sẽ nổi trên nền da bình thường của trẻ trong vòng 1-2 ngày sau khi phát bệnh, sau đó chúng sẽ dần hình thành bọng nước. Những nốt ban xuất hiện chủ yếu ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, ngón tay, mông có đường kính 2-5mm, hình bầu dục và có màu xám sẫm ở giữa. Thông thường, nốt ban này sẽ không đau, không ngứa và có khả năng tồn tại trên da của trẻ tới 10 ngày.

Bên cạnh đó, loét miệng cũng là một dấu hiệu bệnh chân tay miệng điển hình. Tình trạng này xuất phát từ những nốt ban đỏ hình thành quanh miệng. Các vết loét có thể xuất hiện ở trên lưỡi, trong miệng, vòng miệng của trẻ với đường kính từ 4-8mm, khiến việc nuốt đồ ăn, thức uống trở nên khó khăn. Rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn biểu hiện này với nhiệt miệng hay viêm loét miệng thông thường, dẫn tới việc điều trị bị chậm trễ, khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm màng não, phù phổi cấp… thậm chí có thể tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

dau-hieu-benh-chan-tay-mieng1
Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ có lợi cho bệnh nhi

Biện pháp phòng chống bệnh chân tay miệng hiệu quả

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh chân tay miệng. Tuy nhiên, chế độ chăm sóc tốt kết hợp với việc tập trung điều trị triệu chứng sẽ giúp tình trạng bệnh sớm được cải thiện. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé tới cơ sở y tế để được kiểm tra và chữa trị kịp thời, đúng cách, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị theo cảm tính.

Bên cạnh việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cũng cần chú ý chăm sóc trẻ thật tốt, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng. Nên cho trẻ ăn thực phẩm mềm, lỏng, dễ nuốt như cháo, sinh tố hoa quả, tránh đồ ăn cay nóng sẽ khiến các vết loét trong miệng bé nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cách ly trẻ trong quá trình điều trị, tránh làm bệnh lây lan ra cộng đồng.