Tết Trung Thu được coi là 1 ngày lễ lớn, cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Có nhiều tích truyện kể về nguồn gốc ngày Tết này như chuyện nhà vua dạo chơi cung trăng ngày rằm tháng 8, sự tích Hậu Nghệ – Hằng Nga, sự tích chú cuội cung trăng.
Nội Dung Chính
Hướng dẫn làm lồng đèn bằng tre hình ngôi sao truyền thống chuẩn bị cho rằm tháng 8
Chỉ với những vật dụng vô cùng đơn giản bằng tre, giấy kiếng màu hay keo dán là bạn đã có thể làm ngay một chiếc lồng đèn bằng tre hình ngôi sao truyền thống tại nhà để chuẩn bị cho ngày rằm tháng 8.
Một mùa tết trung thu có lẽ lại đang sắp đến, nhiều gia đình rất muốn tự tay chuẩn bị những món lễ vật truyền thống như tự làm lồng đèn bằng tre hay làm bánh trung thu và chuẩn bị mâm cỗ để cúng tổ tiên. Đây đều là những nghi thức tâm linh vô cùng đẹp trong ngày rằm tháng 8.
Tết trung thu có ý nghĩa thế nào trong tâm thức người Việt xưa và nay
Có thể nói, tết trung thu hay còn được gọi với cái tên dân gian là ngày rằm tháng 8 đã trở thành một trong những nét đẹp truyền thống cũng như tinh thần trong tâm thức của con dân Việt. Dù hiện tại mọi thứ có trở nên hiện đại và phát triển ra sao, nhiều phong tục tập quán trong ngày lễ này cũng đã không còn được giữ nguyên vẹn như trước, tuy nhiên các nghi thức truyền thống thì chắc hẳn vẫn rất được coi trọng. Bản sắc dường như không thay đổi ở những vùng quê, nhìn chung thì những gì cốt lõi nhất, con người Việt cũng cố gắng gìn giữ và phát huy.
Khi xưa, vào ngày rằm tháng 8, khi mọi thứ vẫn chưa phát triển, chủ yếu các gia đình sẽ tự làm bánh trung thu, tự làm lồng đèn bằng tre hoặc giấy, sau đó sẽ thực hiện các nghi thức cúng gia tiên ấm cúng, tổ chức rước đèn, phá cỗ, xem múa lân và gia đình cùng nhau ngắm trăng, ăn bánh. Những nghi thức này đều vô cùng đơn giản nhưng cũng rất ấm cúng, mang tính truyền thống cao.
Còn ở hiện tại, mọi thứ đã dần phát triển hơn, tiên tiến hơn. Bạn có thể dễ dàng ra ngoài hàng quán để mua những chiếc bánh trung thu làm sẵn hay lồng đèn bằng nhựa. Ngoài ra, những nghi thức truyền thống đã được tiết giảm khá nhiều, đặc biệt là ở như thành phố lớn, còn các vùng quê thì có khi vẫn còn giữ lại được phong tục xưa cũ của ngày rằm tháng 8.
Ý nghĩa thực sự của ngày tết trung thu, ngày rằm tháng 8 là gì?
Ngày rằm tháng 8 còn có rất nhiều tên gọi khác như ngày tết trung thu, ngày tết đoàn viên hay ngày tết thiếu nhi,… mỗi một tên gọi là một ý nghĩa riêng. Có thể nói ngày rằm tháng 8 chứa đựng rất nhiều ý nghĩa thú vị.
Ý nghĩa to lớn nhất của ngày rằm tháng 8 có lẽ xuất phát từ nét đẹp tâm hồn của con người Việt, khi muốn bày tỏ sự biết ơn, nhớ đến cha mẹ, tổ tiên của mình. Bên cạnh đó, sau một khoảng thời gian xa cách thì đây cũng sẽ là dịp để các thành viên trong gia đình có thể sum vầy và quây quần bên nhau. Chính vì điều này mà ngày rằm tháng 8, hầu hết các gia đình theo nghi thức truyền thống sẽ chuẩn bị một mâm cúng nhỏ để dâng lên bàn thờ gia tiên, đơn giản thôi chứ cũng không cần phải quá cầu kỳ, bày vẽ. Quan trọng là thể hiện được sự nhớ ơn, báo hiếu.
Ngoài ý nghĩa trên thì ngày rằm tháng 8 còn là một dịp tết để vui chơi giải trí, đặc biệt là dành cho thiếu nhi, chính vì vậy mà trong ngày này mới có các hoạt động như là làm lồng đèn, tặng quà cho các bé, tổ chức rước đèn trung thu hay là phá cỗ, múa lân,… vô cùng nhộn nhịp.
Hướng dẫn làm lồng đèn bằng tre truyền thống hình ông sao cho ngày rằm tháng 8 tới đây
Với thời đại phát triển như hiện nay thì việc tìm mua một chiếc lồng đèn bán ngoài hàng quán là vô cùng dễ. Tuy nhiên, bạn khó có thể tìm được chiếc lồng đèn nào được làm từ tre, lồng đèn hình sao truyền thống mà chỉ thấy đại trà là lồng đèn nhựa hay lồng đèn bằng giấy. Nhớ về những ngày xưa cũ thì hình ảnh chiếc lồng đèn ông sao được làm từ tre vẫn còn in dấu ấn trong lòng mỗi người Việt, chính vì vậy, nhiều gia đình thay vì mua lồng đèn bán ngoài hàng họ quyết định tự làm để buổi lễ trung thu trở nên ấm cúng và giàu giá trị tinh thần hơn bao giờ hết.
Nhân đây thì hãy cùng bài viết này tìm hiểu xem cách làm chiếc lồng đèn bằng tre như thế nào nhé.
Nguyên liệu chuẩn bị để làm lồng đèn bằng tre với hình ông sao truyền thống
- Tre được chuốt thành 10 thanh nhỏ, có độ dài khoảng từ 25cm – 30cm (độ dài này có thể được tùy chỉnh, thay đổi tùy theo kích cỡ của chiếc lồng đèn to hay nhỏ)
- Chuẩn bị thêm 5 thanh tre nhỏ hơn khoảng 5cm – 7cm
- Giấy kiếng màu, bút và thước, có thể chuẩn bị thêm dây kim tuyến
- Kẽm và keo dán
Cách tiến hành làm lồng đèn bằng tre hình ông sao truyền thống
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ những vật dụng trên, bạn sẽ tiến hành theo bước dưới đây.
- Bước 1: Trước tiên, sử dụng 10 thanh tre để xếp thành 2 hình ông sao có 5 cánh. Bạn nên lưu ý là cần đặt thanh tre theo kiểu trên dưới để lồng đèn có thể chắc chắn hơn. Sau đó bạn chỉ cần dùng kẽm để quấn các chỗ giao nhau của thanh tre.
- Bước 2: Tiếp đến, bạn cần ghép hai hình ngôi sao đã làm lại, dùng những thanh tre nhỏ đã chuẩn bị trước, chèn ở giữa phần ngũ giác để tạo khoảng hở cho lồng đèn.
- Bước 3: Quyết keo lên các nan tre, cắt những tấm kiếng bóng vừa vặn và dán lên. Bạn có thể chọn những loại giấy kiếng bóng có màu sắc khác nhau để trông chiếc lồng đèn bắt mặt và sặc sỡ hơn.
- Bước 4: Để trang trí thêm cho chiếc lồng đèn bạn có thể quấn quanh 5 cánh một vòng tròn kẽm, sau đó bọc lại bằng dây kim tuyến nhiều màu. Trông sẽ thu hút hơn.
Có thể nói, việc làm lồng đèn bằng tre đã trở thành một nét đẹp truyền thống trong ngày rằm tháng 8. Bên cạnh lồng đèn ông sao thì bạn cũng có thể làm ra nhiều hình thù khác như lồng đèn bươm bướm, lồng đèn con thỏ hay lồng đèn con chim,… chỉ cần vài thanh tre, kẽm và keo đơn giản là đã có thể làm ra một chiếc lồng đèn bằng tre đẹp mắt, là món quà ý nghĩa cho các bé nhỏ trong đêm trung thu.
Cách chuẩn bị mâm cúng gia tiên trong ngày rằm tháng 8
Không giống với những mâm cúng khác, ngày rằm tháng 8 các gia đình chỉ chuẩn bị một mâm cúng đơn giản, nhẹ nhàng và đặc biệt là đầm ấm. Không cầu kỳ cũng không cần phải quá thịnh soạn. Chủ yếu chỉ là lễ ngọt, lễ vật chay chứ không có lễ mặn.
Trái cây tươi
Trên bất cứ một mâm cúng nào thì cũng không thể nào thiếu đi trái cây, tùy theo điều kiện gia đình mà nhiều người sẽ chuẩn bị mâm ngũ quả, tức là có 5 loại trái cây đặc trưng để cúng. Ví dụ như người phương nam thường sẽ chuẩn bị một mâm trái cây có xoài, có đu đủ, có sung, có mãng cầu và có dừa hay người miền bắc thì trái cây sẽ đa dạng hơn như chuối, lê, táo, phật thủ,… bạn cũng có thể chuẩn bị nhiều hơn 5 quả tùy ý. Ngoài ra, bạn có thể sắp xếp theo quy luật của ngũ hành tương sinh hoặc sắp sao cho đẹp mắt là được.
Hoa tươi
Cái quan trọng hơn hết vẫn là hoa tươi, bạn nên tránh cúng hoa giả vì như vậy sẽ không thể hiện được sự tôn kính với thần linh. Nên lưu ý chọn hoa có màu tươi sáng, càng rạng rỡ càng tốt, không nên cúng hoa màu trắng hoặc có màu sắc ảm đạm, điều này sẽ ảnh hưởng tới vận khí. Gợi ý cho bạn có thể chọn hoa đồng tiền, hoa cúc, hoa hồng hay hoa lay ơn,… để cúng trong ngày rằm tháng 8.
Bánh trung thu
Nhắc tới ngày rằm tháng 8 thì chẳng thể nào thiếu được bánh trung thu, tùy vào mỗi gia đình mà có thể chọn bánh chay (các loại bánh nhân đậu, nhân trái cây), ngoài ra thì có thể cúng bánh mặn (bánh trung thu có trứng, bánh nhân lạp xưởng,…). Hiện nay thì dường như mọi người đều rất ưa chuộng bánh nướng và bánh dẻo, ngoài ra ở miền nam nhiều gia đình còn cúng bánh pía, đây là một loại đặc sản của miền tây và cũng hao hao giống với bánh trung thu.
Chuẩn bị xôi
Với mỗi vùng miền khác nhau thì các lễ vật trên mâm cúng cũng sẽ có sự thay đổi, không phải ở đâu cũng sẽ chuẩn bị xôi cúng rằm tháng 8. Nhưng một số nơi thì có, người ta thường sẽ làm xôi gấc, xôi đậu xanh hoặc là xôi cốm.
Chuẩn bị lễ vật phụ khác
Bên cạnh những lễ vật chính, bạn cũng cần chuẩn bị các lễ vật khác như giấy tiền, trà và nước,… Lưu ý là các lễ vật cần phải chuẩn bị đầy đủ, không nên thiếu.
Nhìn chung thì việc chuẩn bị mâm cúng thế nào là còn tùy vào văn hóa ở mỗi địa phương, bạn có thể tham khảo và thay đổi một chút sao cho đúng như ý muốn của cá nhân mình. Miễn sao có lòng thành, tôn kính với tổ tiên là được rồi.
Nên cúng tổ tiên vào ngày nào của rằm tháng 8
Ngày rằm tháng 8 vốn dĩ có hai ngày đó là ngày 14 và ngày 15. Theo như tín ngưỡng dân gian thì ngày 15 mới là ngày chinh rằm, tất nhiên các hoạt động cúng kiến diễn ra vào ngày này là tốt nhất. Nhưng bên cạnh đó thì nhiều nơi, nhiều gia đình vì để thuận tiện họ thường sẽ cúng vào ngày 14. Tóm lại, việc cúng vào thời điểm nào, ngày 14 hay ngày 15 đều được, cốt lõi vẫn là một tinh thần biết ơn, báo hiếu và thành tâm với tổ tiên của mình. Theo như lời khuyên của các chuyên gia thì họ mong rằng các gia đình có thể sắp xếp cúng vào ngày chính rằm sẽ mang vận khí tốt hơn.
Vì làm vào chiều tối ngày chính rằm, sau khi bạn cúng kiến xong thì đó cũng là thời điểm thích hợp để bày mâm cỗ cho các bé phá cỗ, rước đèn trung thu và đặc biệt là cùng gia đình ngắm trăng, đầm ấm và hạnh phúc.
Rất hy vọng bài viết này đã giúp cho bạn biết thêm được những thông tin vô cùng hữu ích. Nếu bạn đang cần đơn vị nhận dịch vụ cung cấp mâm cúng, cỗ cúng trong các dịp lễ truyền thống trọn gói thì có thể liên hệ với Đồ Cúng Nhân Tâm. Chúng tôi chuyên nhận đặt mâm cúng theo yêu cầu, cung cấp dịch vụ mâm cúng chuẩn tâm linh.