Cứ đến tầm tháng 9 hàng năm chúng ta sẽ thấy được thức quả được mong chờ nhất trong mùa thu đó là hồng. Hồng đầu mùa tháng 9 tháng 10 là những quả tươi ngon nhất được người nông dân thu hoạch để bán. Chính vì vậy, thức quả chín này được nhiều người ưu ái và sáng tạo thành nhiều món khác nhau, giúp bảo quản lâu hơn so với quả tươi. Là món ăn vặt được mong chờ mỗi mùa hồng tới, hồng treo gió vàng tươi, ngọt lịm, đặc biệt vẫn lưu được mật bên trong có đôi phần ngon hơn cả hồng tươi. Hôm nay Đồ Cúng Nhân Tâm sẽ hướng dẫn các bạn cách làm hồng treo gió Nhật Bản siêu ngon, siêu đơn giản này tại nhà. Hãy lưu lại để làm ngay thôi nào.
Nội Dung Chính
Hồng treo gió là gì? Nên chọn loại nào để làm hồng treo gió?
Nếu đã từng đến Đà Lạt ít nhất một lần, bạn sẽ không thể nào quên được thức quả ngâm khi vỏ còn cứng, được treo lên và hong khô tự nhiên nhờ gió và nắng. Đây chính là hồng treo gió. Vì làm khô nhẹ bằng phương pháp tự nhiên nên hồng vẫn giữ được độ mềm ẩm nhất định, khi ăn sẽ cảm nhận được độ thơm ngọt của mật hồng, khác hẳn với loại hồng sấy khô bằng các phương pháp khác trên thị trường. Vì hương vị của hồng khô khi treo gió đặc biệt hơn nên giá thành cũng không hề rẻ chút nào. Những nơi bán rẻ cũng vài trăm ngàn khoảng 2-3 quả, có nơi bán 1.1 triệu cho 5 quả.
Chính vì vậy, để vừa có thể thưởng thức được hương vị hồng treo gió này mà vẫn tiết kiệm hội chị em nghiện hồng hãy bỏ chút thời gian để bắt tay làm ngay nhé.
Cách chọn hồng
Khi chọn mua, bạn nên chọn những quả có vỏ mịn, sáng bóng, màu vàng cam đậm, không bị dập nát, thâm, nứt nẻ. Đặc biệt phải chú ý chọn những quả còn cuống hoặc ít nhất thì còn nguyên tai để có thể buộc dây.
Về phần cuống lá, cuống lá màu xanh tươi thì hồng sẽ giòn ngon còn nếu cuống lá ngả vàng thì có nghĩa là hồng đã hái lâu rồi khi ăn sẽ dễ bị mềm, nhạt.
Dùng tay ấn nhẹ vào quả hồng, nếu thấy hồng cứng chắc, không bị lõm xuống là hồng tươi, giòn còn nếu hồng mềm, đặc biệt là phần cuống hồng mềm nhũn, nhiều vết thâm thì bạn không nên mua.
Nguyên liệu và cách làm hồng treo gió
Nguyên liệu
Nguyên liệu rất đơn giản
Bạn chuẩn bị khoảng 2kg hồng tươi đã được lựa chọn
Dây buộc: có thể là dây nilon hoặc dây dù
Sơ chế hồng
Hồng bạn rửa sạch, đặc biệt là phần cuống tránh vết bẩn vẫn bám vào gây nấm mốc
Gọt vỏ sạch từ trên xuống hoặc từ dưới lên để khi hồng khô có thể tạo vân bắt mắt hơn. Lưu ý là bạn nên gọt nhẹ tay tránh việc dập hay gãy cuống hồng thì không thể buộc dây treo được nhé.
Cách làm
Bạn nấu một nồi nước sôi, sau đó cho hồng vào trụng sơ từ 5-7 giây rồi vớt ra, để ráo. Ngoài ra bạn có thể ngâm hồng vào rượu hoặc cồn từ 3-5 phút để tránh hồng bị nấm mốc nhé.
Bước tiếp theo bạn tiến hành buộc dây để treo hồng. Đối với những quả hồng có phần cuống dài, bạn quấn dây quanh cuống hoặc quấn dây xung quanh phía dưới tai hồng, bạn quấn chặt tay vì khi hồng khô dây sẽ dễ bị lỏng và rơi ra. Hoặc bạn cũng có thể buộc đan chéo dây giữ quả hồng hay có thể dùng túi lưới đựng rất vững chắc nhưng như vậy hồng sẽ không được thoáng và đủ nắng đủ gió sẽ lâu khô hơn.
Bạn mang hồng ra ngoài trời để phơi. Để đảm bảo hồng không bị bám bụi hay côn trùng bám thì bạn cũng có thể chuẩn bị một miếng màng sạch phủ lên hồng. Đến tối bạn mang vô nhà để dưới quạt hoặc điều hòa khoảng 16 độ nhé.
Bạn nên phơi hồng dưới nắng nhẹ, có gió, thoáng, tránh ẩm ướt, mưa gió. Thời điểm này trời hanh và khô ráo, nắng vừa đủ và đây cũng là thời điểm hồng bắt đầu chín vàng đỏ. Không cần phơi hồng ở nắng quá to, vì nắng nóng quá sẽ làm quả hồng khô, rút nước nhanh làm hồng cứng không tiết mật ngọt.
Sau khoảng 10 ngày phơi, bạn tiến hành massage hồng bằng cách nắn bóp xung quanh quả hồng thật nhẹ nhàng để hồng tiết ra mật. Không nên massage quá sớm hay mạnh tay sẽ khiến hồng bị thâm.
Thu hoạch
Sau khoảng 14 ngày phơi gió vỏ ngoài quả hồng cứng lại thì bạn đã có thể thu hoạch. Tuy nhiên cũng tùy loại hồng quả to hay nhỏ mà có thể phơi lâu hơn.
Bề mặt hồng treo gió dai nhẹ, bên trong mềm ướt, mật vàng óng ánh, thơm và ngọt hơn cả quả tươi.
Mẹo để làm hồng treo gió siêu ngon và cách bảo quản
Bạn nên chọn hồng Đà Lạt để làm hồng treo gió. Vị của hồng Đà Lạt khác hẳn với các nơi khác, không chỉ vị ngọt đậm đà mà màu sắc cũng rất đẹp.
Làm hồng treo gió dễ dẫn dụ ruồi nhặng. Nếu chúng đậu vào sẽ làm hồng nhanh hỏng, vì thế bạn cần có màn che để bảo vệ khỏi côn trùng nhé.
Lưu ý là phải phơi đều nắng gió, sau khoảng 14 ngày là thu hoạch được. Nếu không thì khả năng bị nấm mốc rất cao.
Thời tiết ẩm ướt không làm được hồng treo gió, phơi hồng chỉ thích hợp với nơi có khí hậu khô lạnh, tầm dưới 16 độ C để hồng khô được tự nhiên và ko bị mốc, tuyệt đối tránh dính nước mưa nữa nhé.
Dùng bao tay kiểm tra hồng trong quá trình treo, nếu thấy quả nào hư phải loại bỏ ngay để tránh lây qua mấy quả khác.
Nếu lỡ trong quá trình treo gió gặp thời tiết mưa thì đem hồng cho vào túi zip hoặc hủ đựng được tiệt trùng rồi bỏ vào ngăn đông tủ lạnh, đợi thời tiết đẹp thì đem ra phơi tiếp.
Nên bảo quản hồng treo gió trong các túi và hút chân không, sau đó có thể để tủ lạnh ăn dần. Khi để trong tủ hồng sẽ vẫn tiếp tục tiết mật tiết đường ra ngoài một cách tự nhiên chứ không hề bị ức chế quá trình.
Sau một thời gian, lớp vỏ sẽ tự sinh phấn trắng, là đường lạnh và khô lại, trông khác hoàn toàn mốc. Điều này có thể xảy ra khi phơi lâu ngày quả hồng size to gặp thời tiết rét khô.
Chúc các bạn thành công nhé!